Cho vay nặng lãi trong giao dịch dân sự phạm tội gì?

Ngày 09/10/2020, VKSNDTC ban hành văn bản số 4688/VKSTC-V14 về việc hướng dẫn, giải đáp vướng mắc trong quá trình áp dụng Điều 201 BLHS năm 2015 (sửa đổi, bổ sung năm 2017) về “Tội cho vay nặng lãi trong giao dịch dân sự“. Cụ thể:

1. Đối với khoản tiền thu lợi bất chính để xác định trách nhiệm hình sự

Vụ 14 nhất trí với cách xác định khoản tiền thu lợi bất chính nêu tại Công văn số 212/TANDTC-PC ngày 13/9/2019 của Tòa án nhân dân tối cao về việc thông báo kết quả giải đáp trực tuyến một số vướng mắc xét xử, bởi vì, theo quy định tại khoản 1 Điều 468 của BLDS năm 2015 thì: “Lãi suất vay do các bên thỏa thuận. Trường hợp các bên có thỏa thuận về lãi suất thì lãi suất theo thỏa thuận không được vượt quá 20%/năm của khoản tiền vay… Trường hợp lãi suất theo thỏa thuận vượt quá lãi suất giới hạn được quy định tại khoản này thì mức lãi suất vượt quá không có hiệu lực“. Theo đó, khoản tiền lãi vượt quá không có hiệu lực và phải được coi là thu lợi bất chính để xác định trách nhiệm hình sự.

2. Đối với xử lý khoản tiền gốc và khoản tiền thu lợi bất chính mà người phạm tội thu được từ việc cho vay lãi nặng

2.1. Về xử lý khoản tiền gốc và lãi tương ứng với mức lãi suất 20%/năm

Tiền gốc là phương tiện phạm tội nên cần phải tịch thu sung vào ngân sách nhà nước theo quy định tại điểm a khoản 1 Điều 47 BLHS năm 2015 (sửa đổi, bổ sung năm 2017). Trường hợp người vay chưa trả tiền gốc thì buộc người vay phải nộp để sung vào ngân sách nhà nước.

Đối với khoản tiền lãi tương ứng với mức lãi suất 20%/năm thì xác định đây là khoản tiền do phạm tội mà có và phải bị tịch thu nộp ngân sách nhà nước.

2.2. Về xử lý khoản tiền thu lợi bất chính (khoản tiền lãi tương ứng với mức lãi suất trên 20%/năm)

Khoản lãi tương ứng với mức lãi suất trên 20%/năm là khoản tiền người phạm tội thu lợi bất chính của người vay nên được trả lợi cho người vay. Theo đó:

(1) Trường hợp người vay đã trả khoản lãi tương ứng với mức lãi suất trên 20%/năm cho người cho vay thì trả lại cho người vay khoản này.

(2) Trường hợp người vay chưa trả khoản lãi tương ứng với mức lãi suất trên 20%/năm cho người cho vay, tức là chưa phát sinh khoản thu lợi bất chính thì hành vi cho vay nêu trên chưa thỏa mãn đầy đủ yếu tố cấu thành tội phạm theo Điều 201 BLHS năm 2015 (sửa đổi, bổ sung năm 2017). Do vậy, không cần đặt ra nội dung “nếu chưa trả lãi thì không cần tịch thu vì chưa có hậu quả” như Công văn số 362/CV-VKSPT đã nêu.

2.3. Trường hợp người cho vay tính lãi suất khác nhau trong từng giai đoạn, có giai đoạn lãi suất gấp 05 lần trở lên của mức lãi suất cao nhất quy định trong BLDS và tiền thu lợi bất chính thỏa mãn quy định tại Điều 201 BLHS (giai đoạn 1): nếu người vay chưa trả lãi của giai đoạn 1 này mà cộng tổng khoản lãi đó vào tiền gốc để tiếp tục vay với mức lãi suất mà pháp luật cho phép (giai đoạn 2); đến khi bị xử lý nhưng người vay vẫn chưa trả được tiền gốc và lãi của giai đoạn 1 mà chỉ trả lãi trên tổng gốc và lãi của giai đoạn 2

Việc lập hợp đồng cộng tổng khoản lãi vào tiền gốc để tiếp tục cho vay với mức lãi suất mà pháp luật cho phép (ở giai đoạn 2) là việc 02 bên đã chốt được số tiền cho vay lãi nặng bằng hợp đồng vay nợ này nhằm che giấu khoản tiền thu lợi bất chính. Trong trường hợp này, cần xem xét xử lý trách nhiệm hình sự đối với người phạm tội về hành vi cho vay với lãi suất gấp 05 lần trở lên của mức lãi suất cao nhất quy định trong BLDS tại thời điểm và khoảng thời gian cho vay (ở giai đoạn 1) nếu thỏa mãn đầy đủ yếu tố cấu thành tội phạm quy định tại Điều 201 BLHS năm 2015 (sửa đổi, bổ sung năm 2017).

Nguồn: Hà Châu Law

5/5 - (10 bình chọn)

Leave a Reply

Chuyển đến thanh công cụ