Cấm công ty tài chính gọi điện đòi nợ người thân, bạn bè khách hàng từ 1/1/2020

Theo Thông tư 18/2019/TT-NHNN của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam sửa đổi các quy định về cho vay tiêu dùng của công ty tài chính tại Thông tư 43/2016, từ 1/1/2020 cấm công ty tài chính gọi điện đòi nợ người thân khách hàng, chỉ được nhắc nợ khách hàng tối đa 5 lần/ngày.

Thông tư 18 siết chặt hơn các quy định đối với công ty tài chính trong việc thúc giục đòi nợ khách hàng như không được sử dụng biện pháp đe dọa đối với khách hàng; không nhắc nợ trong khoảng thời gian từ 7-21 giờ…Bên cạnh đó, Thông tư này còn bổ sung một số yêu cầu mới như:

Công ty tài chính chỉ được nhắc nợ đối với khách hàng tối đa 5 lần/ngày; Trong hợp đồng cho vay tiêu dùng phải có thỏa thuận về hình thức nhắc nợ và thời gian nhắc nợ.

Đặc biệt, những công ty này không nhắc nợ, đòi nợ, gửi thông tin về việc thu hồi nợ của khách hàng đối với tổ chức, cá nhân không có nghĩa vụ trả nợ, trừ trường hợp có yêu cầu của cơ quan nhà nước có thẩm quyền; Phải bảo mật thông tin khách hàng theo quy định của pháp luật.

Ngoài ra, Thông tư 18 cũng bổ sung quy định liên quan đến dự thảo hợp đồng cho vay tiêu dùng. Trong quá trình cung cấp cho khách hàng dự thảo hợp đồng, công ty tài chính phải giải thích trung thực các nội dung cơ bản của hợp đồng, bao gồm cả quyền và nghĩa vụ của khách hàng, các biện pháp đôn đốc thu hồi nợ, biện pháp xử lý trong trường hợp khách hàng không trả nợ (trước đây, chỉ cần giải thích khi khách hàng yêu cầu). Đồng thời, phải có xác nhận có khách hàng về việc đã được cung cấp các thông tin này.

Từ 1/1/2020: Cấm công ty tài chính gọi điện đòi nợ người thân khách hàng (ảnh minh họa)

Về trách nhiệm của công ty tài chính, Thông tư 18/2019/TT-NHNN nêu rõ, các công ty này phải niêm yết công khai tại trụ sở chính, chi nhánh, điểm giới thiệu dịch vụ và đăng tải trên trang thông tin điện tử của công ty tài chính các nội dung: Khung lãi suất cho vay tiêu dùng, các loại phí, phương pháp tính lãi; Các hình thức tiếp nhận góp ý, phản ánh, khiếu nại của khách hàng, tổ chức, cá nhân liên quan đến hoạt động cho vay tiêu dùng của công ty tài chính.

Bên cạnh đó, công ty tài chính phải đăng tải thông tin liên hệ của công ty tài chính, danh sách (tên, địa chỉ) điểm giới thiệu dịch vụ, những điều cần biết về cho vay tiêu dùng (trong đó tối thiểu có nội dung quyền và nghĩa vụ cơ bản của khách hàng vay tiêu dùng theo quy định của pháp luật), các câu hỏi thường gặp trong cho vay tiêu dùng trên trang thông tin điện tử của công ty tài chính;

Giải quyết và trả lời khiếu nại của khách hàng, tổ chức, cá nhân liên quan trong thời hạn 48 giờ (trừ thứ bảy, chủ nhật và ngày lễ) kể từ khi tiếp nhận khiếu nại về số tiền cho vay, lãi suất, biện pháp đôn đốc, thu hồi nợ quy định tại hợp đồng cho vay tiêu dùng; về đòi tiền cá nhân, tổ chức không có nghĩa vụ trả nợ, thông tin sai về nghĩa vụ nợ tại Trung tâm thông tin tín dụng quốc gia Việt Nam và trong thời hạn 7 ngày làm việc kể từ ngày tiếp nhận khiếu nại về nội dung khác.

Công ty tài chính còn có trách nhiệm xử lý hoặc phối hợp với các cơ quan có thẩm quyền xử lý các trường hợp vi phạm pháp luật, quy trình, quy định nội bộ trong hoạt động cho vay tiêu dùng, bảo vệ quyền lợi hợp pháp của khách hàng.

Trường hợp công ty tài chính bán nợ cho bên thứ ba được phép mua nợ theo quy định của pháp luật, trong hợp đồng mua bán nợ phải có cam kết của bên thứ ba về việc thực hiện các quy định đã thỏa thuận với khách hàng tại hợp đồng cho vay tiêu dùng…

Theo ANTĐ

Kinh nghiệm:

4.4/5 - (7 bình chọn)

Leave a Reply

Chuyển đến thanh công cụ