Góc nhìn Đại biểu: Vay tiền trực tuyến – lỗ hổng bảo mật thông tin

Thời gian qua, trên các nền tảng ứng dụng được tải về điện thoại thông minh hay máy tính bảng đã xuất hiện nhiều ứng dụng được gọi là dịch vụ cho vay tiền trực tuyến (App). Người dân dễ dàng vay được tiền với các thủ tục vô cùng đơn giản và nhanh gọn. Tuy nhiên, không ít ứng dụng vay tiền đang sử dụng các chiêu trò tinh vi, để lại nhiều hệ lụy.

Nhiều hệ lụy từ vay tiền qua App

Để vay được số tiền vài triệu đồng, người vay buộc phải đồng ý cho các ứng dụng vay tiền truy cập danh bạ, lịch sử cuộc gọi, truy cập Facebook, định vị GPS, tài khoản IP. Tất cả những thông tin này là cơ sở đảm bảo để khách hàng được vay. Vì thế, khi bên vay chậm trả lãi, tất cả người thân trong danh bạ điện thoại đều bị gọi hoặc nhắn tin khủng bố. Hình ảnh cá nhân bị đưa lên mạng xã hội với những lời bịa đặt, vu khống. Có những người chỉ cần trả chậm vài giờ là toàn bộ bạn bè, người thân đều nhận được cuộc gọi đe dọa.

Một nạn nhân bị ảnh hưởng bởi người vay tiền qua App cho biết, “… Tôi giải thích với bọn họ là có làm phiền tôi thì cũng không có ích gì, bởi vì tôi không có liên quan gì với đối tượng vay tiền cả. Thế nhưng, tôi nói thì họ không nghe và họ tiếp tục nhắn tin tiếp. Tôi không vay gì cả, nhưng mà đang yên đang lành, tự nhiên tội lại bị trở thành đối tượng đồng lõa. Khi đấy uy tín của tôi bị ảnh hưởng một cách nghiêm trọng.…”

Không chỉ có vậy, các App đều ra điều kiện họ còn được quyền chia sẻ thông tin, cho đơn vị khác trong đó có điều kiện, chúng tôi và công ty liên kế với chúng tôi có thể chia sẻ thông tin của bạn cho đối tác, nhà cung cấp dịch vụ, nhà thầu và đại lý. Và như vậy, dẫn đến việc khủng bố suốt ngày đêm. Đăng ảnh người vay tiền lên khắp mạng xã hội, đe dọa cả những người không vay có trong danh bạ người vay. Đây là hành vi vi phạm pháp luật và gây ra những hệ lụy khôn lường cho xã hội.  

“… Khi mà những thôn tin này bị lộ lọt ra bên ngoài thì hoàn toàn có thể bị sử dụng để tạo ra những tài khoản ảo với những thông tin do các đối tượng đã lấy được để nhận những khoản tiền lừa đảo hoặc là phục vụ vào những mục đích rửa tiền hoặc vi phạm pháp luật khác. Khi đó, người bị ảnh hưởng lại là chính người vay tiền qua app đấy …”- Thiếu tá Vũ Trọng Nghĩa, Cục An ninh mạng và phòng, chống tội phạm sử dụng công nghệ, Bộ Công an, cho biết.

Thiếu tá Vũ Trọng Nghĩa, Cục An ninh mạng và phòng, chống tội phạm sử dụng công nghệ, Bộ Công an

Chấn chỉnh hoạt động cho vay tiền online

Mặc dù không táo tợn, manh động như đòi nợ thuê phổ biến thời gian qua, nhưng cách thức đòi nợ kiểu khủng bố tinh thần của người vay tiền online thông qua các App đang gây lên những hệ lụy khôn lường. Từ vùng quê đến thành thị, ai cũng có thể trở thành nạn nhân của hình thức tín dụng đen kiểu mới này.

Điều nguy hại hơn, ngoài những người vay tiền bị khủng bố mà ngay cả bạn bè, người thân của những đối tượng vay nợ này cũng bị các tổ chức tín dụng đen kiểu mới tấn công.

Để có cái nhìn sâu hơn về vấn đề này, Cổng Thông tin điện tử Quốc hội đã ghi nhận ý kiến của đại biểu Phùng Văn Hùng, Đoàn ĐBQH tỉnh Cao Bằng, Ủy viên Thường trực Ủy ban Kinh tế của Quốc hội:

Đại biểu Phùng Văn Hùng,  Đoàn ĐBQH tỉnh Cao Bằng

Phóng viên: Hiện nay đang có rất nhiều các ứng dụng cho vay tiền online, thủ tục cho vay rất đơn giản, nhưng để có thể trả nợ thì lại rất khó. Đã có trường hợp vay có 8 triệu thôi nhưng phải trả đến 200tr mà vẫn chưa hết nợ. Đại biểu nghĩ sao về thực trạng này? Và điều này sẽ gây ra những hệ lụy gì cho xã hội?

Đại biểu Phùng Văn Hùng,  Đoàn ĐBQH tỉnh Cao Bằng: Vừa qua các phương tiện thông tin đại chúng cũng như dư luận xã hội rất bức xúc về tình trạng hiện nay cho vay qua App. Hình thức này, thủ tục cho vay rất nhanh nhưng nhiều người vay đã không thể trả nợ được. Quảng cáo bằng những lời có cánh và đòi tiền bằng thủ đoạn bạo lực. Tin nhắn, cuộc gọi đòi nợ của nhân viên các app vay tiền online không chỉ tra tấn tinh thần người vay mà còn cả gia đình, người thân của họ.

Về bản chất, hình thức cho vay tiền qua ứng dụng online là biến tướng mới của tín dụng đen. Chúng ta cần phải lên án và có biện pháp để ngăn ngừa tình trạng tín dụng đen qua App này.

Phóng viên: Hiện tại thì có rất nhiều cách mà các đối tượng cho vay qua app đòi nợ và khủng bố tinh thần con nợ của mình như nhắn tin, gọi điện tần xuất cao. Thậm chí là chửi bới và lăng mạ…. Hành vi này không chỉ đối với con nợ mà ngay cả người thân và bạn bè cũng bị liên lụy. Theo Đại biểu thì những việc đòi nợ như thế này sẽ vi phạm những quy định nào của Pháp luật?

Đại biểu Phùng Văn Hùng,  Đoàn ĐBQH tỉnh Cao Bằng: Thực ra pháp luật của chúng ta đã có và hoàn toàn có đủ căn cứ để xử lý cho vay tín dụng đen dưới hình thức App.

  • Thứ nhất, nếu cho vay lãi suất trên 20% cao hơn lãi suất ngân hàng quy định thì đó là vi phạm pháp luật.
  • Thứ hai, thông qua các hình thức trang mạng, điện thoại hoặc phương tiện thông tin để khủng bố tinh thần người vay, người thân của người vay thì đó là những hành vi xúc phạm nhân phẩm con người. Hành vi này pháp luật Hình sự quy định rất rõ, đây là vi phạm pháp luật và cần phải xử lý nghiêm. Tình trạng cho vay nặng lãi đã là vi phạm pháp luật còn khủng bố tinh thần, khủng bố người thân của người vay nợ thì đó cũng là hành vi vi phạm cần được xem xét truy tố.

Phóng viên: Theo Đại biểu thì các cơ quan chức năng có liên quan cần phải thực hiện những giải pháp căn cờ gì để có thể hạn chế và đi đến chấm dứt tình trạng này?

Đại biểu Phùng Văn Hùng,  Đoàn ĐBQH tỉnh Cao Bằng: Chúng ta thấy rằng, vay nợ và đặc biệt là vay nóng những khoản không lớn là nhu cầu rất là thường ngày của người dân. Hiện nay, dường như các cơ quan hữu quan của Nhà nước phản ứng còn hơi chậm trễ trong việc ban hành các cơ chế, chính sách để tạo điều kiện cho các tổ chức tín đụng cho người dân vay đáp ứng nhu cầu, khoản vay nhỏ một cách nhanh chóng, thuận lợi.

Các đối tượng lợi dụng tình hình phát triển khoa học công nghệ ứng dụng vào việc cho vay nóng bằng hình thức tín dụng đen đã phát triển rất nhanh và thời gian qua chúng ta thấy tình trạng này xảy ra rất là phổ biến.

Ngân hàng nhà nước cũng sẽ sớm ban hành các cơ chế chính sách để tạo điều kiện cho các tổ chức tín dụng cho vay thông qua App để tạo điều kiện nhanh về mặt thủ tục nhưng đồng thời đảm bảo an toàn cho người vay. Ngoài ra, công tác thông tin tuyên truyền cần phải kịp thời về cơ chế chính sách, biện pháp xử lý các trường hợp cho vay nặng lãi qua App.

Phóng viên: Trong khi chờ các cơ quan chức năng có liên quan vào cuộc cũng như hoàn thiện các quy định pháp luật, thì với vai trò là Đại biểu dân cử, Đại biểu có những lưu ý gì đối với người dân đối với loại hình vay tiền qua app này hay không?

Đại biểu Phùng Văn Hùng,  Đoàn ĐBQH tỉnh Cao Bằng: Người dân cũng cần phải được cung cấp đầy đủ thông tin và hết sức cảnh giác với hình thức cho vay này. Vì tình trạng có thể đối tượng cho vay chưa vượt quá 20% như ngân hàng quy định nhưng sau đó nếu mà chậm trả thì với những mức phạt rất là nặng, dẫn tới khả năng người vay không thể có khả năng trả thì đây là hình thức trá hình. Vì vậy, cần có thông báo tuyên truyền sâu rộng để người dân hiểu rõ, nắm được những hình thức này đồng thời  khi gặp phải trường hợp này cần kịp thời tố cáo đến cơ quan chức năng.

Phóng viên: Trân trọng cảm ơn đại biểu!

Thời gian qua, Công an Tp. HCM cũng đã bắt giữ 6 người Trung Quốc đứng sau nhiều App cho vay như là Vaytocdo hay là Moreloan…Nhóm này đang bị các cơ quan điều tra về hoạt động tín dụng đen và cho vay nặng lãi.

Tuy nhiên, từ diễn biến thực tế cũng như ý kiến của Đại biểu Phùng có thể thấy đây cũng chỉ là những giải pháp xử lý phần ngọn. Gốc rễ trong vấn đề này là cần thiết phải có những khung pháp lý rõ ràng để khuyến khích các doanh nghiệp kinh doanh chân chính, giúp đáp ứng được các nhu cầu của người dân.

Bên cạnh đó, chính người dân cũng phải tỉnh táo và cảnh giác để tránh sa bẫy trước các hình thức “cho vay nặng lãi” thế hệ mới./.

Nguồn: Cổng Thông tin điện tử Quốc hội (3/12/2020)

5/5 - (25 bình chọn)

Leave a Reply

Chuyển đến thanh công cụ